Một huyện thiếu 82 giáo viên tiếng Anh và Tin học

Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Viết Phúc - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), cho biết, huyện đang thiếu hơn 82 giáo viên dạy tiếng Anh và Tin học ở 47 trường, trong đó, bậc tiểu học thiếu 57 giáo viên và THCS là 25 giáo viên.

“Trước thực trạng thiếu giáo viên dạy tiếng Anh và Tin học, phòng GD-ĐT huyện đã bố trí giáo viên dạy liên trường. Cụ thể, mỗi giáo viên được giao dạy ở 2 trường trong một địa bàn. Về dạy Tin học, ưu tiên cho những giáo viên dạy môn Toán hoặc giáo viên dạy văn hoá có chứng chỉ Tin học được ưu tiên đứng lớp ở 2 cấp học” - ông Phúc chia sẻ.

Giáo viên đứng lớp huyện miền núi Kỳ Sơn đang còn thiếu số lượng lớn. Ảnh: Phạm Phúc

Cũng theo ông Phúc, hàng năm trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đều tổ chức tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, tỷ lệ người địa phương hoặc nơi khác đến nộp hồ sơ ít, không đủ so với chỉ tiêu đề ra.

Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ giáo viên tiếng Anh và Tin học chuyển vị trí công tác ra khỏi địa bàn huyện khoảng 7 người. Hầu hết các giáo viên công tác ở huyện Kỳ Sơn đều là người địa phương hoặc lập gia đình ở lại.

“Phòng giáo dục đã có kế hoạch tham mưu cho UBND huyện tuyển dụng thêm giáo viên. Trường hợp không tuyển được thêm giáo viên Tin học thì sẽ kiến nghị cấp kinh phí, cử giáo viên dạy văn hoá đi học bồi dưỡng tin học về dạy cho các em” - ông Phúc nói về giải pháp sắp tới ở huyện giáp biên giới cách TP Vinh khoảng 300km.

Còn ông Lữ Thanh Hà - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong cho biết, ở bậc tiểu học thiếu 10 giáo viên tiếng Anh, còn bậc THCS số lượng thiếu giáo viên ít hơn. Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên đứng lớp, phòng giáo dục cho phép các giáo viên dạy liên trường và hợp đồng một số giáo viên bên ngoài vào giảng dạy.

“Chúng tôi vẫn đang chờ sinh viên đi học ra trường trở về quê thi tuyển. Việc thiếu giáo viên từ những năm đầu tiên nhiều nhà trường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên từ khi cho phép giáo viên dạy liên trường và bổ sung hợp đồng thì giải quyết việc này dễ dàng hơn” - ông Hà chia sẻ.

Đề nghị bổ sung biên chế giáo viên

Trong năm học 2024 - 2025, để đảm bảo có đủ giáo viên đứng lớp theo quy định, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung 6.501 biên chế. Cụ thể, biên chế cho bậc mầm non là 1.688 người, bậc tiểu học là 2.692 người, bậc THCS là 1.795 người và bậc trung học phổ thông là 326 người.

Đầu năm 2024, Nghệ An có 1.418 trường học ở cả 4 cấp học gồm mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, giảm 7 trường so với năm học trước.

Nghệ An kiến nghị Bộ Nội vụ bổ sung 6.501 biên chế mới cho giáo viên. Ảnh: Phạm Phúc

Tuy nhiên, dù số trường giảm nhưng ở một số bậc học, số lớp lại tăng. Cụ thể, bậc trung học cơ sở tăng 117 lớp với hơn 12.000 học sinh, bậc trung học phổ thông tăng 77 lớp với hơn 5.500 học sinh. Tổng số học sinh trong tỉnh hiện lên đến hơn 860.000.

Theo thống kê của ngành giáo dục đến tháng 5/2024, tổng số viên chức và lao động hợp đồng đang làm việc tại các cơ sở giáo dục là 48.722 người. Trong số này, có 337 người là lao động hợp đồng, bao gồm 118 người ở bậc mầm non, 86 người ở bậc tiểu học, và 133 người ở bậc trung học cơ sở.

Trước đó, trong hai năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024, toàn tỉnh Nghệ An đã tuyển dụng thêm 5.056 giáo viên. Tuy nhiên, việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn vì một số huyện còn biên chế nhưng phải thực hiện tinh giản biên chế viên chức theo lộ trình (giảm 10% trong giai đoạn 2022 - 2026) nên không thể tuyển thêm. Việc này khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối giữa thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế và giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.

Đến thời điểm hiện nay, so với định mức biên chế về giáo viên/lớp, học sinh/lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT thì số lượng biên chế giáo dục của tỉnh Nghệ An đang còn thiếu 6.721 biên chế.